Chế độ quân chủ lập hiến Bối_cảnh_của_Nội_chiến_Tây_Ban_Nha

Thế kỷ 19

Vua Amadeo I của Tây Ban Nha

Thế kỷ 19 là một thời kỳ đầy biến động đối với Tây Ban Nha.[3] Những người ủng hộ cải cách chính phủ tranh giành quyền lực chính trị với những người bảo thủ có ý định ngăn cản việc thực hiện những cải cách này. Theo truyền thống bắt đầu từ Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1812, nhiều người theo chủ nghĩa tự do tìm cách cắt giảm quyền lực của chế độ quân chủ Tây Ban Nha, cũng như thiết lập một quốc gia dân tộc theo hệ tư tưởng và triết lý của họ.[4] Các cuộc cải cách năm 1812 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, gần như ngay lập tức bị Vua Fernando VII đảo ngược khi ông giải tán hiến pháp nói trên. Điều này đã đặt dấu chấm hết cho chính quyền Trienio Liberal.[5] Mười hai cuộc đảo chính thành công được thực hiện trong khoảng thời gian 60 năm từ 1814 đến 1874.[3] Đã có một số nỗ lực điều chỉnh hệ thống chính trị sao cho phù hợp với thực tế xã hội.[6] Cho đến những năm 1850, nền kinh tế Tây Ban Nha chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Có rất ít sự phát triển của một giai cấp công thương nghiệp tư sản. Thể chế quyền lực tập trung dựa trên đất đai vẫn còn mạnh mẽ; một số ít người nắm giữ một lượng đất đai lớn cũng như tất cả các vị trí quan trọng trong chính phủ. Quyền lực của các điạ chủ đã bị thách thức bởi các lĩnh vực công thương nghiệp, nhưng phần lớn đều không thành công.[7] Ngoài những thay đổi về chế độ và hệ thống cấp bậc, trong suốt nửa thế kỷ, Tây Ban Nha đã chứng kiến ​​một loạt các cuộc nội chiến được gọi là Chiến tranh Carlos (Guerras carlistas). Trong khoảng thời gian này, một phong trào chính trị cánh hữu được gọi là phong trào Carlos (Carlismo) nổi lên, đấu tranh để thiết lập một chế độ quân chủ dưới một nhánh khác của Vương tộc Bourbon. Năm 1868, các cuộc nổi dậy quần chúng đã lật đổ Nữ hoàng Isabel II của Vương tộc Bourbon. Hai yếu tố khác nhau dẫn đến cuộc nổi dậy: một loạt các cuộc bạo động ở khu vực thành thị, và một phong trào tự do trong tầng lớp trung lưu và quân đội (do Tướng Jean-Primm lãnh đạo),[8] những người lo ngại về chủ nghĩa bảo thủ cực đoan của chế độ quân chủ.[9] Năm 1873, người kế nhiệm Isabel, Vua Amadeo I của Vương tộc Savoia, thoái vị do áp lực chính trị ngày càng tăng, và Đệ Nhất Cộng hòa Tây Ban Nha được thành lập.[8][9] Tuy nhiên, những người trí thức đứng sau nền Cộng hòa đã bất lực trong việc ngăn chặn tình hình trở nên hỗn loạn.[8] Các cuộc nổi dậy bị quân đội đàn áp. Chế độ quân chủ cũ quay trở lại với sự phục hồi của Vương tộc Bourbon vào tháng 12 năm 1874,[10] trong bối cảnh cải cách được coi là ít quan trọng hơn so với hòa bình và ổn định.[10] Bất chấp việc áp dụng chế độ phổ thông đầu phiếu cho nam giới vào năm 1890, các cuộc bầu cử được kiểm soát bởi các thủ lĩnh chính trị địa phương (caciques).[3][11]

Các thành phần truyền thống nhất của nền chính trị đã cố gắng ngăn cản các cải cách tự do và duy trì chế độ quân chủ phụ hệ một cách có hệ thống. Những người theo chủ nghĩa Carlos (Carlismo) - những người ủng hộ Carlos de Borbón và hậu duệ - chiến đấu để thúc đẩy truyền thống Tây Ban Nha và Công giáo chống lại chủ nghĩa tự do của các chính phủ Tây Ban Nha kế tiếp.[4] Những người theo chủ nghĩa Carlos cố gắng khôi phục các quyền tự do lịch sử và quyền tự trị của Xứ BasqueCatalunya theo luật lệ Fuero. Đôi khi họ liên minh với những người theo chủ nghĩa dân tộc (tách biệt với phe Quốc gia trong cuộc nội chiến), kể cả trong các cuộc Chiến tranh Carlos.[4]

Chủ nghĩa vô trị thường xuyên trở nên phổ biến trong tầng lớp lao động, và ở Tây Ban Nha mạnh hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác ở châu Âu vào thời điểm đó.[4] Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa vô trị thường dễ dàng bị đánh bại trong các cuộc đụng độ với quân chính phủ.[12]

Thế kỷ 20

Michele Angiolillo sát hại Antonio Cánovas del Castillo trong một khu nghỉ dưỡng vào năm 1897

Năm 1897, trong bối cảnh chính phủ ngày càng sử dụng các hình thức tra tấn và số lượng các vụ bắt giữ ngày càng gia tăng, một kẻ theo chủ nghĩa vô trị người Ý đã ám sát Thủ tướng Antonio Cánovas del Castillo. Xuất khẩu từ Catalunya chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi Tây Ban Nha mất mất Cuba, thuộc địa có giá trị cuối cùng, trong cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha–Mỹ năm 1898; đã có xuất hiện các hành động khủng bố và động thái của những agent provocateur (người khiêu khích) ở Barcelona.[12] Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 20, giai cấp công nhân đã phát triển về số lượng. Ngày càng có nhiều sự bất bình ở xứ Basque và Catalunya, nơi tập trung phần lớn ngành công nghiệp của Tây Ban Nha. Họ tin rằng chính phủ có xu hướng trọng nông và do đó không đại diện cho lợi ích của họ.[13] Tỷ lệ mù chữ trung bình là 64%, với sự khác biệt đáng kể giữa các vùng. Mức độ nghèo đói ở một số khu vực rất cao và đã có sự di cư ồ ạt đến Tân Thế giới trong trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này.[14]

Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (tiếng Tây Ban Nha: Partido Socialista Obrero Español, PSOE) và công đoàn liên kết của đảng này, Unión General de Trabajadores (UGT), đã giành được sự ủng hộ từ người dân. Số thành viên của UGT tăng từ 8.000 vào năm 1908 lên 200.000 vào năm 1920. Các văn phòng chi nhánh (Casa del pueblo) của công đoàn được thành lập tại các thành phố lớn.[15] UGT liên tục lo sợ bị thất thế trước những người theo chủ nghĩa vô trị. Tổ chức này được tôn trọng vì có tính kỷ luật trong các cuộc đình công. Tuy nhiên, tổ chức tuân theo chủ nghĩa trung dung và chống Catalunya, với chỉ 10.000 thành viên ở Barcelona vào cuối năm 1936.[16] PSOE và UGT dựa trên một hình thức đơn giản của chủ nghĩa Marx, một hình thức cho rằng cách mạng là tất yếu và được đặc trưng bởi chủ nghĩa biệt lập.[13] Khi UGT chuyển trụ sở chính từ Barcelona đến Madrid vào năm 1899, nhiều công nhân ở Catalunya đã không còn có thể tiếp cận UGT được nữa.[13] Một số thành phần của PSOE nhận thấy cần phải hợp tác với phe Cộng hòa.

Năm 1912, Đảng Cải cách (Partido Reformista) được thành lập, thu hút giới trí thức. Một số nhân vật như nhà lãnh đạo của đảng, Alejandro Lerroux, đã giúp đảng thu hút sự ủng hộ rộng rãi từ tầng lớp lao động. Chủ trương chống giáo sĩ của Lerroux đã khiến ông trở thành một chính trị gia mị dân nổi tiếng ở Barcelona. Ông cho rằng Giáo hội Công giáo không thể tách rời khỏi hệ thống áp bức mà người dân đang phải chịu đựng. Đây là khoảng thời gian mà chủ nghĩa cộng hòa trở nên phổ biên trong dân chúng.[17]

Quân đội muốn tránh sự tan rã của nhà nước và ngày càng hướng sự tập trung vào trong nước sau khi để mất lãnh thổ Cuba. Chủ nghĩa dân tộc khu vực, vốn được coi là chủ nghĩa ly khai, không được hoan nghênh. Năm 1905, quân đội đột kích trụ sở của hai tờ tạp chí châm biếm ở Catalunya, được cho là đang chống phá chính quyền. Để xoa dịu quân đội, chính phủ đã cấm các bình luận tiêu cực về quân đội hoặc nhà nước Tây Ban Nha trên báo chí. Với sự bùng nổ của Chiến tranh Rif ở Maroc vào năm 1909, sự bất mãn đối với quân đội và chế độ quân dịch bắt buộc cũng tăng theo.[18] Việc Lerroux tán thành các mục tiêu của quân đội đã khiến ông đánh mất đi sự ủng hộ của quần chúng.[19] Tất cả lên đến đỉnh điểm vào Tuần lễ bi thảm (tiếng Tây Ban Nha: Semana Trágica) ở Barcelona năm 1909, khi các nhóm giai cấp công nhân nổi dậy phản đối yêu cầu nhập ngũ.[20] 48 nhà thờ và các cơ sở tương tự đã bị thiêu rụi trong các cuộc tấn công chống giáo sĩ.[20] Quân đội cuối cùng đã dập tắt cuộc bạo động; 1.725 thành viên của các nhóm như vậy đã bị đưa ra xét xử, với 5 người bị kết án tử hình.[21] Những sự kiện này đã dẫn đến sự thành lập của Liên đoàn Lao động Quốc gia (tiếng Tây Ban Nha: Confederación Nacional del Trabajo, CNT), một tổ chức công đoàn do những người theo chủ nghĩa vô trị kiểm soát, với cam kết đi theo chủ nghĩa công đoàn vô trị.[21] Đến năm 1923, CNT đã có hơn 1 triệu thành viên.[22]

Thủ tướng Miguel Primo de Rivera

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, xuất khẩu gia tăng dẫn đến sự bùng nổ của ngành công nghiệp, trong khi mức sống giảm ở các khu vực công nghiệp, đặc biệt là ở Catalunya và xứ Basque.[23] Lạm phát ở mức cao.[18] Khu vực công nghiệp không hài lòng trước sự quản lý của chính quyền trung ương nông nghiệp. Cùng với những lo ngại về hệ thống thăng tiến lỗi thời và tham nhũng chính trị, cuộc chiến ở Maroc đã gây ra sự chia rẽ trong quân đội.[23] Chủ nghĩa tái sinh trở nên phổ biến, giai cấp công nhân, giai cấp công nghiệp và quân đội đoàn kết hợp sức với hy vọng lật đổ chính quyền trung ương tham nhũng. Tuy nhiên, những hy vọng này đã bị tiêu tan vào năm 1917 và 1918, khi các đảng phái chính trị khác nhau đại diện cho các nhóm này lần lượt bị chính quyền trung ương xoa dịu hoặc đàn áp. Các nhà công nghiệp cuối cùng đã ủng hộ chính phủ như một cách để khôi phục trật tự.[24] Sau khi Đệ Tam Quốc tế được thành lập vào năm 1919, nỗi sợ hãi về chủ nghĩa cộng sản ở Tây Ban Nha ngày càng lớn, và sự đàn áp bằng các biện pháp quân sự từ phía chính phủ ngày càng gia tăng. PSOE chia rẽ và nhiều thành viên thiên tả hơn đã thành lập Đảng Cộng sản Tây Ban Nha vào năm 1921.[25][26] Chính phủ đã không thể đối phó với số lượng các cuộc đình công ngày càng tăng của công nhân công nghiệp ở miền bắc và nhân công nông nghiệp ở miền nam.[26]

Miguel Primo de Rivera lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1923 và cai trị Tây Ban Nha như một chế độ độc tài quân sự.[22] Ông trao độc quyền kiểm soát công đoàn cho UGT và khởi động một chương trình công cộng toàn diện.[26] Các công trình công cộng này cực kỳ tốn kém, đặc biệt là các đập thủy điện và đường cao tốc, khiến thâm hụt tăng gấp đôi từ năm 1925 đến năm 1929. Tình hình tài chính của Tây Ban Nha trở nên tồi tệ hơn do việc ấn định đồng peseta với bản vị vàng và đến năm 1931, peseta Tây Ban Nha đã mất gần một nửa giá trị.[27] UGT được đưa vào chính phủ để thành lập các ban trọng tài công nghiệp, mặc dù động thái này đã bị một số người phản đối và bị các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa vô trị coi là chủ nghĩa cơ hội.[28] Miguel Primo de Rivera cũng cố gắng bảo vệ liên minh quân chủ công-nông được hình thành trong chiến tranh.[26] Không có cải cách đáng kể nào đối với hệ thống chính trị (và đặc biệt là chế độ quân chủ) được thực hiện.[26] Điều này khiến việc thành lập một chính phủ mới trở nên khó khăn vì những vấn đề tồn tại vẫn chưa được khắc phục. Dần dần, sự ủng hộ của ông giảm dần vì cách tiếp cận cá nhân của ông đối với chính trị khiến ông phải chịu trách nhiệm cá nhân về những thất bại của chính phủ,[26] và do sự thất vọng ngày càng tăng về sự can thiệp của ông vào các vấn đề kinh tế mà ông không hiểu.[27] José Calvo Sotelo, Bộ trưởng Tài chính của ông, là một người đã rút lại sự ủng hộ,[29] và de Rivera từ chức vào tháng 1 năm 1930.[30] Có rất ít sự ủng hộ cho việc khôi phục lại hệ thống trước năm 1923, và chế độ quân chủ đã mất uy tín khi ủng hộ chính phủ quân sự.[30] Nhà vua ra lệnh cho Dámaso Berenguer thành lập một chính phủ thay thế, nhưng chế độ độc tài dictablanda của ông không đưa ra được một giải pháp thay thế khả thi nào.[31] Việc Berenguer được lựa chọn đã làm cho một vị tướng quan trọng khác, José Sanjurjo, không thoải mãi, vì ông tin rằng mình là lựa chọn tốt hơn.[32] Trong cuộc bầu cử địa phương ngày 12 tháng 4 năm 1931, các đảng quân chủ có rất ít sự ủng hộ ở các thành phố lớn và nhiều người đã tụ tập trên đường phố Madrid. Vua Alfonso XIII thoái vị để ngăn chặn một cuộc "nội chiến huynh đệ tương tàn" ("fratricidal civil war").[33][nb 1] Đệ Nhị Cộng hòa Tây Ban Nha được thành lập.[27][31]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bối_cảnh_của_Nội_chiến_Tây_Ban_Nha //www.amazon.com/dp/B0014JCVS0 http://findarticles.com/p/articles/mi_qa3736/is_20... http://www.historytoday.com/paul-preston/franco-an... http://libro.uca.edu/payne2/payne25.htm http://www.cambridge.org/us/academic/subjects/hist... http://www.marxists.org/archive/trotsky/1936/04/sp... //www.worldcat.org/oclc/395987 //www.worldcat.org/oclc/94892517 //www.worldcat.org/oclc/95360332 https://books.google.com/books?id=4c4F7KM9UE8C&q=h...